CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG CƠ - ĐIỆN - LẠNH


Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Vì sao máy lạnh lại thiếu gas và cách nhận biết?

Qua thời gian sử dụng máy lạnh có hiện tượng không lạnh, yếu lạnh, máy lạnh hoạt động liên tục nhưng không lạnh do thiếu gas. Vậy vì sao máy lạnh lại hao hụt gas? Cách nhận biết máy lạnh thiếu gas như thế nào?


Vì sao máy lạnh lại thiếu gas?
Theo lý thuyết thì khi sử dụng máy lạnh rất khó để máy lạnh thiếu gas nhưng vì một số nguyên nhân sau có thể dẫn đến máy lạnh bị xì gas, hết gas.


  • Hở các co nối giữa ống đồng với dàn nóng, dàn lạnh (nguyên nhân do lắp sai cách, do độ rung khi máy lạnh hoạt động dẫn đến ăn mòn, do môi trường gió bão,…)
  • Bị xì dàn nóng hoặc dàn lạnh (lỗi của nhà sản xuất, do lâu ngày bị oxi hoá,...)
  • Bị xì hoặc vỡ ống đồng dẫn gas (do môi trường,…)

Làm sao biết máy lạnh hết gas?

Khi máy lạnh hết gas bạn cần phải thay gas mới ngay để máy lạnh hoạt động luôn ổn định. Máy lạnh hết gas thường có những dấu hiệu như:


  • Máy lạnh yếu, hoặc không có hơi lạnh mặc dù có chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp nhất, dàn lạnh cũng chỉ ra hơi gió chứ rất kém lạnh.
  • Máy lạnh chạy liên tục không ngắt, hoá đơn tiền điện tăng (Trong dàn lạnh có cảm biến nhiệt, khi nhiệt độ phòng đủ độ lạnh, máy lạnh sẽ tự động ngắt. Trong trường hợp này vì máy lạnh hết gas nên nhiệt độ phòng vẫn vậy, làm block hoạt động liên tục, vừa hao điện vừa dễ gây ra cháy Block)
  • Đối với 1 số dòng máy lạnh cao cấp có bộ phận cảm biến cảnh báo tình trạng gas trong máy. Khi máy lạnh sắp hết gas, hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dùng biết.
...

Bạn có biết ELCB Chống chạm? Nguyên lý hoạt động của nó như thế nào?

ELCB - Cầu dao chống giật

ELCB (Earth leakage circuit breaker) thường được gọi tên theo các thói quen khác nhau là "Rơ le bảo vệ chạm đất", aptomat “chống giật”, “cầu dao chống giật”. ELCB là loại thiết bị làm việc trên nguyên tắc phát hiện sự chênh lệch dòng điện đi và về để có thể ngắt phía nguồn tiêu thụ nếu có sự chênh lệch giữa chúng. ELCB được dùng để bảo vệ an toàn cho lưới điện quan trọng hơn là sự an toàn của con nguời đối với các nguy cơ bị "điện giật".
Vì gia đình bạn có trẻ con rất nghịch ngợm, lại đang ở trong lứa tuổi dễ bị tổn thương do điện (lứa tuổi từ 1 đến 5), nên ngay từ khi chúng bắt đầu biết nghịch ngợm thì chúng ta phải lắp đặt các ELCB vào mạng điện gia đình. Lắp đặt thiết bị này là điều mà tôi khuyên bạn thực hiện để an toàn hơn cho con người, thiết bị và tài sản để hạn chế các rủi ro do điện lưới gây ra.


BỊ GIẬT ĐIỆN ?

Dòng điện (mA)
Hiện tượng
2 - 3
Ngón tay tê mạnh
5 - 7
Bắp thịt co lại
8 - 10
Đau, khó rời vật mang điện
20 - 25
Khó thở, tay không rời được
50 - 80
Thở tê liệt, tim đập mạnh
90 - 100
Thở tê liệt, nếu t >3s thì tim ngừng đập
Ghi chú: Bảng theo nguồn chú thích 3
Trước tiên thì tôi cũng giải thích một chút về tại sao lại có sự “giật” khi mỗi người chạm vào điện. Rất nhiều người chỉ hiểu rằng nếu sờ vào điện lưới dân dụng thì sẽ bị giật hoặc nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không hiểu nguyên nhân gây ra sự giật này.
Khi một dòng điện với cường độ đủ lớn đi qua người thì sẽ tạo ra cảm giác bị "điện giật". Tuỳ theo từng trường hợp, lứa tuổi mà mức độ ảnh hưởng của điện đối với cơ thể con người là khác nhau nhưng nói chung là đều gây ra có hại (tất nhiên cũng có các phương pháp điều trị bằng điện, ví dụ châm cứu điện ở các dòng điện cường độ thấp) hoặc có nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Bảng bên trên là mức độ ảnh hưởng của dòng điện lên cơ thể con người. Cũng trong bài viết này thì tác giả đã đánh giá rằng với tham số lưới điện 50 Hz ở Việt Nam thì dòng điện truyền qua người vào khoảng 40-50 mA là đã đủ gây nguy hiểm chết người.

DÒNG ĐIỆN DI CHUYỂN THẾ NÀO TRONG MẠCH ĐIỆN?


Có hai loại dòng điện: Dòng điện một chiều và dòng điện xoay chiều mà chúng ta thường gặp hàng ngày.
  • Dòng điện một chiều là dòng điện có chiều chuyển động của các điện tích theo một hướng nhất định, không thay đổi theo thời gian. Các loại pin, ắc quy là các dòng điện một chiều.
  • Dòng điện xoay chiều là loại dòng điện mà chúng thay đổi chiều chuyển động của các điện tích một cách liên tục theo thời gian. Ví dụ lưới điện dân dụng ở Việt Nam thường sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số 50 Hz, có nghĩa là trong một giây nó thay đổi chu kỳ 50 lần, chiều của nó đảo đi đảo lại 100 lần.
Bất kỳ một dòng điện nào cũng đều có một sự chuyển động khép kín theo một vòng tròn. Chúng không thể chạy ra khỏi cái vòng tròn đó. Ví dụ một quả pin mà ta thường thấy thì dòng điện xuất phát bên trong quả pin, chạy đến cực dương, rồi đi qua mạch tiêu thụ (bóng đèn, đài, điều khiển, điện thoại...bất kỳ cái gì dùng pin) rồi đi về cực âm, vào bên trong quả pin đó để hoàn thành một quá trình chuyển hoá thành điện năng.(Tất nhiên rằng đây là cách nói dễ hiểu chứ thực ra thì dòng điện đi trong các dây dẫn kim loại thì lại là sự chuyển dời của các điện tích (electron) và điện tích đi ra từ cực âm rồi di chuyển qua tải - về cực dương).
Đối với các loại điện được sử dụng trong dân dụng, bạn có thể nhận thấy dòng điện được xuất phát từ biến thế hạ áp ở các trạm phân phối điện, đi qua dây dẫn đến nhà bạn, qua các thiết bị điện mà bạn sử dụng rồi lại quay trở lại bằng dây dẫn thứ hai song song với nó, trở lại máy biến áp. Do tính chất xoay chiều nên nó đổi chiều liên tục.
Vậy thì có bao giờ dòng điện đi không khép kín hay không? Chưa bao giờ! Bởi vì nếu bạn có nhận ra ở một trường hợp nào đó ở trong dân dụng có dòng điện đi không theo trường hợp khép kín thì đó hoặc là các trường hợp rất đặc biệt (ví dụ như tụ điện sau quá trình tích điện được phóng điện khi có dây nối hoặc phóng thủng qua lớp điện môi, hoặc các trường hợp đặc biệt khác như sét,...).


THẾ THÌ SAO LẠI BỊ ĐIỆN GIẬT?


Hình minh hoạ: Khi người bị giật điện thì dòng điện vẫn đi theo một hình khép kínỞ trên bạn đã thấy rằng chỉ khi có một dòng điện chạy qua cơ thể người thì mới bị điện giật, mà dòng điện lại đi theo một mạch điện kín, như vậy thì tại sao người sờ vào một cực nào đó thì lại bị điện giật? Lúc này dòng điện chạy qua cơ thể người có tạo ra một mạch điện kín hay không? Có mâu thuẫn với điều trên không?
Bạn hãy nhìn vào hình minh hoạ bên sẽ nhận thấy rằng dòng điện được xuất phát từ nguồn đi đến thiết bị và nếu sự cách điện ở đâu đó bên trong thiết bị là không tốt thì sẽ xảy ra hiện tượng xuất hiện điện ở vỏ thiết bị. Khi người sử dụng sờ vào và sẽ bị giật. Điều này không cần chứng minh bởi vì nhiều người đã gặp rồi đối với các thiết bị điện bị rò rỉ điện, hoặc ngay như bạn sờ vào chiếc vỏ máy tính của bạn - tuy không giật mạnh nhưng có thể nó cũng tê tê.
Nhưng vì sao lại như thế. Đó là bởi vì hệ thống điện dân dụng luôn sử dụng một cực được nối với đất, do đó cực còn lại luôn luôn có một hiệu điện thế so với "đất", và như vậy thì dòng điện đã truyền thông qua người để xuống "đất" để tạo ra một mạch điện khép kín.
Vậy bạn có thể thấy khó hiểu đối với một số trường hợp khác thường hay không?
Có bao giờ nhìn thấy các con chim đậu trên các dây điện (không được bọc vỏ bảo vệ) hay không? Có! Ai đó đã giải thích rằng vì chân nó có sừng nên cách điện, nên nó đã không bị giật. Chưa đúng! Con chim đã không bị giật bởi vì không có dòng điện đi qua nó vì nó không tạo thành một mạch điện khép kín - bởi điện đi vào con chim rồi nó đi đâu? thế nên không có dòng điện (thực tế có một dòng rất nhỏ bởi các yếu tố khác, nhưng giải thích điều đó thì rất phức tạp nên tôi coi không có dòng điện).
Không giống như con chim, một số người thán phục một người nào đó đứng trên thang khô, ghế đẩu bằng gỗ...rồi cứ dùng tay "nối sống" điện. Người này đã biết được nguyên lý của dòng điện nên đã khéo léo thao tác với sự sờ tay vào dây điện đang có điện mà không bị giật. Nhưng bạn đừng thực hiện điều này nếu không hiểu biết - bởi có thể bạn sẽ trở thành vật dẫn điện từ tay phải sang tay trái - và nó giật đấy!!!.

ELCB HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Sự hoạt động của ELCB

Ta nhận thấy rằng dòng điện đi theo một mạch kín, do đó mà khi nào đó nó bị đi nhầm về một hướng khác với mong muốn theo thiết kế thì có thể dựa vào nó để chế tạo các thiết bị chống sự giật điện.
Nhìn vào hình minh hoạ trên thì ta nhận thấy rằng sự khép kín trong mạch điện này được phân thành hai nhánh: Dòng điện từ nguồn cung cấp đi đến ổ cắm vào thiết bị và quay trở lại ổ cắm, về nguồn phát - với một dây nối đất. Một phần còn lại đi qua tay người, xuống chân và đi xuống đất.
Như vậy tuy mạch điện ở phần tổng thể là một mạch kín, nhưng tại một số điểm nào đó trên sơ đồ thì chúng không còn là mạch kín nữa: Dòng điện đi và về là không bằng nhau, chúng đã bị "thất thoát". Phần mất cân bằng này đã đi tắt xuống đất mà không theo đường dẫn về nơi chúng sinh ra theo dây dẫn.
Chính phần dòng điện đi tắt này đã đi qua các bộ phận cơ thể người để gây ra sự "giật điện". Ở trên thì ta đã biết rằng điện giật nguy hại cho sức khoẻ của con người, chúng có nguy cơ gây tử vong rất cao.
Vậy thì nếu có một thiết bị nào đó có thể phát hiện ra dòng điện chạy trong dây dẫn bị lệch nhau giữa đi và về để kịp thời ngừng cung cấp điện thì chúng có thể hạn chế được tai nạn về điện giật. Có, thiết bị đó gọi là ELCB mà tôi đã tự định nghĩa lại chúng ngay ở đầu của entry này.
Qua những gì đã trình bày ở trên thì bạn thấy ngay rằng ELCB hoạt động dựa theo sự so sánh giữa dòng điện đi và dòng điện về để phát hiện sự chênh lệch dòng điện là bao nhiêu ở phía tải - tức là phía hộ tiêu thụ của bạn. Nếu sự chênh lệch này lớn hơn một giới hạn nào đó thì chúng sẽ ngắt điện. Thế thôi - cơ bản là như vậy - bạn là một người không chuyên về điện tử, thiết bị điện v.v.. hoặc các chuyên môn nào đó để hiểu cũng giống như tôi thì bạn chỉ cần biết đến đó để đến mục dưới: Mắc chúng như thế nào trong mạng điện.
Nhưng mà khoan đã, tôi lại phải giới thiệu một chút về các tham số của nó đã chứ nhỉ. ELCB thì có nhiều loại có các tham số khác nhau để phù hợp với từng cấp độ của mạng điện, chúng có một tham số cơ bản nhất là giới hạn của dòng điện rò để ngắt cầu dao. Các thông số còn lại là cường độ dòng điện chịu đựng, mức điện áp là việc. Bạn có thể nhận thấy một số tham số của các ELCB thông dụng:
  • Điện áp (xoay chiều): 230V
  • Dòng điện rò: 30 mA
  • Dòng điện chịu đựng: 30A
Lấy ngay ví dụ trên thì nhận thấy rằng tham số đó có nghĩa rằng chúng được sử dụng trong một mạng điện lưới có mức điện áp 220V, tổng dòng điện tải mà bạn có thể sử dụng khoảng 30A, nếu quá mức cường độ dòng điện này thì ELCB sẽ tự ngắt - nghĩa là lúc này nó hoạt động giống như một aptomat thông thường (chính vì vậy nhiều người đã quen gọi ELCB là "aptomat chống giật" theo thói quen). Tham số về dòng điện rò 30 mA sẽ là định mức để nếu có một sự chênh lệch dòng điện là 30 mA thì ELCB sẽ ngắt điện.

Vậy thì ELCB có công dụng gì?

Trong cả phần trên hoặc phần dưới tôi đều chú trọng nói đến ELCB cho mạng điện gia đình và văn phòng nhỏ với công dụng nổi bật là nhằm tránh sự giật điện cho con người. Điều này cũng có thể làm cho bạn nghĩ rằng ELCB chỉ có một công dụng như vậy.
Không chỉ có tác dụng đối với sự an toàn của con người, nhưng không phải là như thế ELCB còn có tác dụng đề phòng hoả hoạn xảy ra đối với mạng lưới điện. Bạn có thể sống trong một ngôi nhà được đổ bê tông và nghĩ rằng chúng không bao giờ bị cháy - nhưng thực tế là có các vụ cháy nhà, cháy chợ, cháy văn phòng mà chúng đều không phải xây dựng bằng vật liệu dễ cháy (chắc qua các thông tin đại chúng thì bạn cũng nhận ra điều đó).
Chập điện, rò điện cũng là một nguyên nhân gây ra cháy, hoặc chúng cũng có thể là tác nhân giúp cho đám cháy được bùng lên mạnh hơn. Ngày nay thì nguyên nhân cháy do điện có vẻ nhiều lên khi thống kê lại các vụ cháy lớn, còn các vụ cháy mang tính địa phương, gia đình do điện thì ít người thống kê nên tôi tin rằng chúng đã trở lên nhiều hơn so với các nguyên nhân khác (ví dụ: vứt tàn thuốc còn lửa, tàn lửa từ các động cơ, ...)
Khi chập điện thì tại vị trí chập nhau sẽ sinh ra nhiệt đủ để phát cháy đối với chính dây dẫn với vỏ cách nhiệt bằng nhựa, và chủ yếu là nhiệt đó sẽ tạo ra bén lửa đối với các vật xung quanh. Dòng điện có thể tăng cao đến mức làm các aptomat (hoặc cầu chì bảo vệ) ngắt điện. Sự ngắt này sẽ làm cho dòng điện dân dụng sẽ không còn là tác nhân tiếp tục làm đám cháy mạnh thêm nữa.
Như vậy bạn có thể nghĩ rằng trong trường hợp chập cháy gây hoả hoạn thì chẳng cần các ELCB bởi vì các aptomat thông thường cũng đã đủ ngắt điện? Không hoàn toàn đúng, bởi vì nếu đối với các sự chập điện xảy ra với một dòng điện nhỏ hơn so với định mức của một aptomat, hoặc là trường hợp cháy các loại quạt điện, động cơ hoặc các thiết bị điện khác trong gia đình/văn phòng, chúng chỉ cần một dòng nhỏ mà vẫn gây phát nhiệt, trường hợp này thì aptomat không bảo vệ được.
Trong các trường hợp sự cố đối với các thiết bị điện gây phát nhiên, nhiều khả năng là chúng làm cháy dây dẫn được bọc cách điện, do đó sẽ xuất hiện dòng điện rò ra vỏ thiết bị, và có thể chúng được truyền xuống đất. Không chỉ thế, trong các trường hợp khác thì dòng điện có nhiều khả năng rò xuống đất và làm mất cân bằng giữa dòng điện đi và dòng điện về trong một mạng điện gia đình. Vậy là ELCB có mặt để ngắt điện.
Và ELCB có thể còn có nhiều công dụng khác nữa, nhưng mà tôi thì vẫn chú trọng về mặt bảo vệ sự an toàn của con người hơn nên không trình bày nhiều về các công dụng khác của ELCB.

Nguyên lý làm việc

Phần này thì bạn có thể không cần đọc nó, bởi vì bạn là một người bình thường thì có thể khó hiểu, nhưng nếu như bạn đã học tập ở mức độ bình thường (nhớ được khoảng 50% kiến thức được học thời trung học là hiểu. Và ở đây thì đang là phần mở ngoặc để bạn thấy rằng chính bạn phê phán sự học giả, người giả, nhưng bạn lại không nhớ đến những kiến thức ấy - mà không phải các thầy cô đã không dạy bạn - mà chỉ do bạn không học và không nhớ đến chúng mà thôi. Vậy nên hãy hướng tới những thế hệ tiếp theo học tập được đều và tốt hơn nhé!)
Bạn có nhớ đến một thí nghiệm khá lý thú về một dòng điện đi xuyên qua một tờ giấy, trên tờ giấy rắc các mạt sắt nhỏ, kho gõ gõ tờ giấy để cho mạt sắt tự chuyển động thì nó sẽ sắp xếp nhau theo một hình tròn xung quay tâm dây dẫn dòng điện đi qua không nhỉ? Thí nghiệm này rất lý thú và nó làm bạn nhớ đến nó chứ? Nếu không thì cũng không sao, bởi vì tôi cũng thấy có rất nhiều người không nhớ đến nó.
Ở đây thì mỗi một dòng điện đều sinh ra xung quanh nó một từ trường, nếu như dòng điện là xoay chiều thì từ trường này sẽ biến thiên liên tục xung quanh dây dẫn đó. Đây là những hình dung thôi đấy nhé, bởi vì bạn sẽ không nhìn thấy được từ trường của chúng, từ trường vô hình mà. (Và bạn có biết rằng chính bạn cũng đang sống trong từ trường đó bởi vì trái đất chính là một nam châm khổng lồ mà cực bắc là Bắc cực, cực nam là Nam cực - chính đó đã làm cho các la bàn bằng nam châm mới có thể xoay hướng để chỉ ra phương Bắc, phương Nam).
Rồi. Nếu như ta quấn quanh một dây dẫn có dòng điện chạy qua một vòng dây khác thì trong dòng điện này sẽ xuất hiện một dòng điện. Điều này thì cũng có vẻ đúng nhưng mà chưa chính xác, bởi vì nếu như ta quấn quanh một nam châm vĩnh cửu thì cũng không sinh ra dòng điện (bởi nếu được người ta sẽ tạo ra được các loại động cơ vĩnh cửu đã làm tốn bao giấy mực thời xa xưa).
Như vậy thì thấy rằng từ trường sinh ra không biến thiên sẽ không sinh ra một dòng điện cảm ứng nếu có các vòng dây quanh nó, mà điều này thì luôn được thực tế chứng minh với bạn bởi vì không có các loại máy biến áp một chiều sử dụng cuộn dây và lõi từ.
Ứng dụng của sự xuất phát một từ trường xung quanh một dây dẫn điện có dòng điện xoay chiều chạy qua đã được người ta tạo ra các dụng cụ đo dòng điện xoay chiều mà không phải mắc nối tiếp vào mạch điện của chúng. Tôi cũng có một thiết bị như vậy, nó là chiếc kìm đo dòng (chẳng biết gọi tên nó như thế có đúng không nữa), bạn thấy đấy, nó được tôi sử dụng để đo các dòng điện để có thể tính toán công suất các thiết bị trong phạm vi gia đình mình - thực ra thì lúc đầu tiên mua nó chỉ để đo dòng điện tiêu thụ của nguồn máy tính mà tôi thường nghiên cứu về nó trong phạm vi nhận thức của mình. Ở những thiết bị đo đếm điện với dòng điện lớn hoặc có mức điện áp cao thì người ta đều đo như vậy - nó có vẻ như trái với những suy nghĩ bạn đã được học rằng muốn đo một dòng điện thì mắc một đồng hồ nối tiếp với dòng điện đó phải không?
Khi mà tôi sử dụng chiếc đồng hồ kìm đo dòng để cặp vào một cặp dân dẫn điện cho một thiết bị nào đó, tôi nhận thấy kết quả của nó bằng không - tức là không có dòng điện nào đi qua nó cả - theo như kết quả hiển thị ra ở chiếc đồng hồ. Vô lý nhỉ, ví dụ tôi sử dụng để đo dòng cho chiếc nồi cơm điện, công suất của nó không phải là nhỏ, mà sao lại không có dòng nào đi qua? Hay là chiếc đồng hồ này sai? Không. (Đôi khi chúng ta nghĩ như thế: Những thiết bị đo đếm, kiểm chứng chúng thường hoạt động tương đối chính xác, chỉ có tư duy của chúng ta sai lầm, không giải thích được nên đổ lỗi cho chúng mà thôi. Tôi đã gặp nhiều người làm kỹ thuật có tư duy như thế, khiến cho họ luôn thất bại trong công việc và phá hỏng thiết bị, hoặc yêu cầu thay thế một cách vô lý chỉ bởi vì họ tin rằng họ đúng, họ rất giỏi và họ không chịu nghe và phân tích những ý kiến phản biện lại). Trong trường hợp này thì tôi đã sai khi mà đo dòng điện xoay chiều một cách cặp đôi hai dòng điện đi ngược chiều nhau: Có nghĩa là giá trị của chúng sẽ bằng không (0). Rất đơn giải bởi vì từ trường sinh ra đã bị triệt tiêu nhau bởi hai dòng điện trái chiều được đặt song song nhau.
Bên trong một ELCB, (ảnh từ ELCB)
Đến đây thì sau một hồi dài dòng để nói đến cái đồng hồ kìm đo dòng với các triết lý lồng ghép thì có lẽ rằng bạn đã nhận ra loáng thoáng về nguyên lý của ELCB: Chúng dựa trên sự đo đạc sự xuất hiện dòng điện bởi hai dây dẫn đặt song song nhau. Nếu phát hiện có sự sai lệch dòng điện giữa đi và về thì trong cuộn dây sẽ xuất hiện dòng điện, và tuỳ vào mức độ thiết đặt (hoặc số vòng dây nhiều hay ít) để chúng thiết lập kích hoạt sự ngắt cầu dao.
Có thể vẫn khó hiểu, nhưng thế này: Hai dây dẫn đặt song song nhau chứa một dòng điện chạy qua có cường độ bằng nhau và ngược chiều nhau thì từ trường của chúng sinh ra sẽ triệt tiêu nhau, và không có thiết bị nào đo được. Nếu như có các vòng dây để đo lại dòng điện của chúng thì chắc rằng ở điều kiện trên thì dòng điện đo được là bằng không. Nhưng nếu như có một dòng điện rò xuống đất thì có nghĩa là hai dòng điện này không bằng nhau. Sự chênh lệch khiến cho bên trong các vòng dây cảm ứng xuất hiện dòng điện, và chúng kích hoạt cho ELCB ngắt điện. Sự ngắt này thông qua một mạch điện nhỏ, chủ yếu chúng khuếch đại dòng điện cảm ứng lên lớn một chút và có một chút so sánh với mức chuẩn, rồi kích hoạt một aptomat thông thường để ngắt nguồn điện.
Bạn thấy không, rất đơn giản nếu như biết được nó, nhưng tôi đã cảm phục người phát hiện ra sự đơn giản này để chế tạo ra những chiếc ELCB làm cho con người được an toàn hơn với điện. Bạn cũng có thể phát hiện ra nhiều điều đơn giản như thế để cho cuộc sống loài người tốt đẹp hơn - chỉ cần chịu khó học tập, chú ý, suy luận và...xuất bản ý tưởng của mình.
Dưới đây là một số hình minh hoạ giúp bạn hình dung tốt hơn về sơ đồ nguyên lý của các ELCB



Sơ đồ nguyên lý hoạt động đơn giản của ELCB trong mạng điện gia đình, [Ảnh: http://www8.ttvnol.com/forum/dtvt/597795/trang-4.ttvn]Sơ đồ nguyên lý làm việc của một ELCB đơn giản. Ảnh: http://www.crossy.co.uk/
Ta nhận thấy một sơ đồ đơn giản về ELCB sử dụng một lõi từ hình xuyến (thường là lõi ferít) để xuyên hai dây dẫn đi qua, phần dòng điện được lấy làm cảm ứng được quấn quanh lõi từ đó.Ở hình này (trên) thì dây dẫn điện lại được quấn xung quay lõi từ hình xuyến một cách đều nhau (để không gây ra sự lệch từ)
Mặt sau của ELCB (tháo nắp), có thể thấy cuộn dây cảm ứng

Hình minh hoạ về một ELCB ba pha dùng cho động cơ điện. Nguồn ảnh: http://www.atcadvance.com/howELCB.html
Hình minh hoạ phía trên là một sơ đồ đấu nối của ELCB cho một mạch điện ba pha, nguồn tiêu thụ là một động cơ. Đây chỉ là một sự minh hoạ giúp bạn hiểu rằng ELCB không chỉ đơn thuần bảo vệ chống rò điện ở các mạch điện một pha trong dân dụng, mà chúng còn sử dụng trong các mạch điện 3 pha trong công nghiệp hoặc các xưởng nhỏ


LẮP ELCB TRONG MẠNG ĐIỆN GIA ĐÌNH, VĂN PHÒNG


Khảo sát trước khi lắp đặt
Vỏ ngoài của một ELCB của hãng LS
Không phải gia đình nào cũng có thể lắp đặt được các ELCB để bảo vệ cho con người chống bị điện giật. Điều này có vẻ như vô lý nhưng chúng đã là thực tế bởi "cơ sở hạ tầng" mạng điện của gia đình bạn. Tại sao lại như vậy? Ở đây là chất lượng dây dẫn điện và cách lắp đặt chúng hiện tại trong gia đình của bạn. Nếu như chất lượng dây dẫn tốt thì chắc rằng bạn dễ dàng lắp đặt một ELCB mà không gặp phiền toái nào, nhưng nếu dây dẫn điện có vỏ chất lượng kém, sử dụng lâu năm thì sự truyền điện ra ngoài tường và các thiết bị khác để xuống đất làm cho luôn có một dòng điện không hoàn chỉnh, và như vậy thì lắp đặt ELCB sẽ luôn luôn hoạt động, mà điều đó thì bạn chỉ có đường tháo bỏ chúng.
Có rất nhiều người đã gặp phiền toái với các ELCB được trang bị, sau đó thì chúng luôn nhảy mà chẳng hiểu tại do đâu. Thường thì những người sửa chữa điện cho gia đình bạn sẽ rò rẫm nơi nào là nguyên nhân, mà nếu không được thì họ hoặc là đề nghị tháo bỏ ELCB hoặc là điều chỉnh một chút bên trong ELCB để chúng có thể chịu đựng được dòng điện lớn hơn một chút nữa. Thủ thuật này không phải là tôi tưởng tượng ra mà là nghe được trực tiếp những người sửa chữa điện nói ra khi mà tôi đang đi mua chính các ELCB và được họ (cũng đang mua thiết bị điện cho công trình của gia đình nào đó) nhiệt tình nói ra với tôi và nói với nhau. Họ đã không chỉ rõ ra cách làm, nhưng tôi có thể suy đoán ra hành động của họ dựa vào nguyên lý làm việc của ELCB (có thể là đấu tắt, có thể là cắt bớt số vòng dây cảm ứng để ELCB vẫn có thể làm vệc được, nhưng lúc này chúng đã có thông số hoạt động khác hẳn (và lớn hơn nhiều về sự so sánh các dòng lệch) so với nhãn mác của thiết bị đã ghi. Cho dù là cách nào thì hành động này cũng có thể gây ra sự nguy hiểm cho gia đình của bạn.
Vậy thì trước khi lắp đặt bạn nên khảo sát xem chúng có phù hợp với hệ thống điện của gia đình bạn hay không. Tốt nhất là mượn được một chiếc ELCB nào đó để lắp thử với chế độ không định vị chắc chắn, rồi mới tiếp tục mua và lắp đặt cố định vào hệ thống lưới điện gia đình. Cách trên không phải là tối ưu đối với kiến thức bình thường, nếu bạn thạo hơn về vật lý và có thêm một số công cụ đo đạc thì sự khảo sát bằng cách đo điện trở cách điện sẽ là cách mang tính chất kỹ thuật hơn, hợp lý hơn mà không cần phải mượn hoặc mua thử một ELCB.

Lắp đặt ELCB trong mạng điện gia đình, văn phòng
Một mạng điện gia đình (hoặc cả đối với các văn phòng) lý tưởng nhất là lắp các ELCB theo các cấp độ khác nhau theo từng mức phân nhánh của sự cung cấp điện nhằm đảm bảo phù hợp với tình trạng làm việc của chúng.

Một ELCB lắp trong hệ thống điện gia đình (màu đen), bên trái là một aptomat. Hình ảnh lấy từ: http://www8.ttvnol.com/forum/dtvt/597795/trang-3.ttvn
(Hình mình hoạ: ELCB lắp đặt trong gia đình/văn phòng có màu đen ở giữa (bên trái là một aptomat). Ảnh theo ttvnol)







Với một ELCB lắp đặt tại nguồn tổng (tức là đầu vào của hệ mạng điện) thì chúng cần có tham số chịu dòng điện lớn và cường độ dòng điện lệch cao nhất. Điều này nhằm giúp cho hệ thống không bị ngắt điện toàn bộ khi một ELCB nào đó ở các nhánh dưới cũng bị ngắt do có sự dò điện: Ví dụ một thiết bị nào đó bị rò điện ra vỏ hoặc một ai đó vô tình sờ vào điện ở một nhánh nhỏ thì ở nhánh tổng ELCB sẽ cắt điện, và toàn bộ sẽ mất điện. Tất nhiên rằng sự an toàn là quan trọng nhất bởi vì sự ngắt điện có thể làm bực mình, thiệt hại, nhưng cứu được một người khỏi nguy cơ điện giật thì không có giá nào so sánh được. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bởi vẫn có cách mắc chúng mà các nhánh con có thể ngắt ở nhánh con mà nhánh tổng không bị ngắt. Vậy thì trong trường hợp này nếu bạn chỉ lắp một ELCB tại một nhánh tổng thì có nghĩa rằng hoặc bạn quá tiết kiệm, hoặc là bạn chưa hiểu biết và nhìn rộng các vấn đề (hoặc cả hai).
Giả sử mạng điện gia đình của bạn có nhiều nhánh (ví dụ nhiều tầng trong một ngôi nhà) thì sự không hoàn hảo của hệ thống dây dẫn có thể làm cho dòng rò xuống đất tổng là lớn. Ví dụ như tầng 1 của bạn rò một ít, tầng 2 rò một ít, v.v.. và tổng lại thì dòng rò có thể vượt ngưỡng có thể gây giật đối với con người - vậy thì nếu lắp một ELCB tổng có tham số nhỏ sẽ không làm việc được - chúng luôn ngắt nguồn ngay khi được lắp vào hệ thống điện.
Một số thiết bị điện thường xuyên làm việc với khả năng gây ra dòng rò lớn. Ví dụ như các loại máy giặt luôn ẩm ướt, các loại bình nước nóng sử dụng điện với hơi nước mù mịt...đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến dòng rò tổng cao. Tất nhiên là tôi viết điều này dựa trên các thiết bị chung, bởi vì các thiết bị mà nhiều người sử dụng đang dùng thường là chưa đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn (ví dụ tiêu chẩn của Châu Âu, Úc, hoặc Hoa Kỳ), chúng có khả năng rò điện cao và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng. Điều này là đương nhiên thôi khi mà chúng ta cố gắng mua những thiết bị dân dụng giá rẻ thì nhà sản xuất sẽ khó mà thiết kế chúng tuân theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được.
Như vậy thì cách lắp ELCB trong mạch điện gia đình là như thế nào. Tốt nhất là nên lắp một ELCB tổng với một tham số lớn về tổng cường độ dòng điện chịu đựng qua nó, có dòng rò định mức cao, lắp các nhánh con các ELCB có tham số nhỏ hơn. Cách lắp này còn giúp khoanh vùng các vùng bị rò điện mà không phải lật tung tường, dò từng vị trí xem chỗ nào gây rò rỉ nữa.
Tôi lấy một ví dụ cho sự lắp đặt như thế này theo từng cấp độ nhánh khác nhau của mạng điện trong gia đình/văn phòng: ELCB tổng: 300 mA, Nhánh từng tầng: 100 mA, nhánh từng phòng 30 mA. Xin lưu ý rằng đây chỉ là ví dụ gợi ý, tuỳ theo từng gia đình/văn phòng mà sử dụng các loại ELCB khác nhau, cách thức sử dụng điện lại cần nghiên cứu, thiết đặt lại cho phù hợp.
Hãy lưu ý đến các thiết bị sử dụng điện quan trọng hoặc thiết bị an ninh: Ví dụ như nguồn nuôi cho chiếc cửa cuốn của bạn và sự điều khiển từ xa, những hệ thống báo động đột nhập, những hệ thống điều khiển hoặc tự động hoá khác trong gia đình của bạn: Nếu chúng được lắp sau một ELCB thì có khả năng là nó sẽ bi vô hiệu hoá bởi ai đó muốn chúng vô hiệu (tạo ra sự rò giả bởi đấu một dây dẫn với đất với một dây ở ngoài ngôi nhà của bạn) hoặc là chính bạn cũng khó có thể vào được ngôi nhà của mình bởi cánh cửa không hoạt động nữa do sự cố nào đó về điện trong khi bạn vắng nhà. Vậy thì cần có một dường dẫn điện riêng không qua các ELCB đối với các thiết bị đặc biệt như vậy.
Cũng lưu ý thêm một ý rất phụ rằng một số loại bình nước nóng sử dụng điện năng hiện nay đã được trang bị sẵn các ELCB bên trong, chúng có thể làm tăng giá thành nên và được quảng cáo rằng đảm bảo an toàn cho người sử dụng với sự chống rò điện thì chính là tính năng này. Nếu như một bình nước nóng nào đó chỉ có thểm tính năng chống rò điện mà bạn lại được lắp sẵn các ELCB trong mạng điện rồi thì không nhất thiết phải dùng chúng. Còn nếu gia đình bạn chưa lắp các ELCB thì nên đầu tư chúng thay cho bỏ thêm tiền cho tính năng chống rò điện của bình nước nóng.


BẢO DƯỠNG ELCB
ELCB có cần bảo dưỡng không, tôi nghĩ là không nên tháo chúng ra sờ sịt vào nó để có thể bị sai lệch thông số nếu bạn không hiểu chúng. Nhưng thực ra chúng lại cần được bảo dưỡng theo một cách khác rất đơn giản.

Từ ELCB

Tôi để ý đến chiếc ELCB mà tôi mua của một hãng tại Nhật Bản sản xuất thì tại nút test (test switch) sự hoạt động nó có ghi "Mỗi tháng test một lần". Như vậy thì khuyến cáo của nó rằng một tháng chúng ta phải giả vờ bị giật điện một lần để cho chúng hoạt động được đúng đắn. Cách này làm cho các thiết bị được thường xuyên hoạt động để tránh không làm việc quá lâu, hoặc các phần thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ khí đơn thuần quá lâu không được làm việc (ví dụ các lò xo nén quá lâu có thể gây két tại điểm nén. Sự test này định kỳ hàng tháng sẽ giúp cho chúng hoạt động với bất kỳ lúc nào xảy ra sự cố.

Điều này có gì đặc biệt không, khi mà một số ELCB của các hãng khác lại cũng có nút đó, nhưng lại không khuyến cáo chế độ test hàng tháng như vậy? Đó là các hãng đã không chú trọng đến sự hoạt động ổn định lâu dài? hoặc là quá tốt đến không cần phải test? Tôi không rõ lắm, nhưng khi so sánh về giá trị khi tôi mua thì chiếc ELCB của Nhật Bản có giá khoảng 550.000 VNĐ thì có sự đề nghị test, nhưng một chiếc ELCB của Hàn Quốc giá khoảng 150.000 VNĐ thì không đề nghị như vậy. Và cũng có thể ELCB của Hàn Quốc có giá vừa rẻ, vừa tốt như lời quảng cáo của người bán hàng ?! Điều này thì tôi không rõ lắm.
Thôi thì nó có tốt thật hay không thì dù không được khuyến cáo nhưng tôi vẫn cứ bấm nút test hàng tháng.


CON NGƯỜI LÀ TẤT CẢ

Tôi gặp một số nhỏ các trường hợp thế này: Một người đi xe máy và bị ngã xe, người đó gượng dậy và việc đầu tiên là xem chiếc xe máy có bị hư hại gì không, rồi bắt đầu lo ngại nếu như chiếc xe đó không phải là sở hữu của họ, điều đáng làm mà họ cần quan tâm đến bản thân họ hoặc những người khác bị họ làm ngã. Không phải là hoàn toàn ai cũng vậy nhưng đôi khi chúng ta coi trọng những đồ vật hơn cả bản thân mình.
Con người luôn làm ra tất cả, con người là trung tâm so với các đồ vật phục vụ cho chúng ta. Vậy nên bạn đừng e ngại khi lắp đặt các ELCB để bảo vệ tính mạng cho chính mình và những người thân của mình.
Nếu bạn muốn lắp các ELCB vào cho gia đình hoặc văn phòng của mình thì hãy tự tìm các cửa hiệu bán đồ điện nào đó để hỏi và được tư vấn thêm (đôi khi chưa chắc người bán đã thấu hiểu về ELCB đâu). Nếu bạn hỏi tôi nên mua loại ELCB nào, mua ở đâu thì tôi sẽ không nói, bởi vì điều đó làm cho bạn nghĩ rằng entry này được viết ra để quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Không! Đây là kinh nghiệm của tôi bởi sự an toàn cho gia đình của tôi mà thôi. Khi tôi biết những kinh nghiệm này thì tôi viết lên blog để chia sẻ đến mọi người. Tôi đã nghĩ kinh nghiệm này sẽ tốt cho bạn và những người thân của bạn.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bảng mã lỗi của máy lạnh treo tường Inverter LG


Máy lạnh treo tường Inverter LG không hoạt động, máy máy lạnh báo lỗi là do những nguyên nhân nào? 




Sau đây Chúng Tôi giới thiệu bảng mã lỗi của máy lạnh treo tường Inverter LG


Mã lỗi
Miêu tả lỗi
Ghi chú
CH05
Lỗi kết nối dàn nóng và dàn lạnh

CH09
Lỗi bo mạch chức năng dàn lạnh

CH10
Lỗi quạt dàn lạnh

CH21
Lỗi bộ phận IPM của PCB Main dàn nóng

CH22
Lỗi cao dòng của CT trên mạch dàn nóng

CH23
Lỗi điện áp quá thấp

CH26
Lỗi máy nén bị hỏng

CH27
Lỗi quá tải, hỏng bo mạch do hỏng bộ phận PSC/PFC

CH29
Lỗi pha máy nén

CH32
Lỗi nhiệt độ cao đường ống đẩy máy nén

CH33
Lỗi quá tải máy nén

CH41
Lỗi cảm biến đầu đẩy máy nén

CH53
Lỗi liên lạc dàn nóng và dàn lạnh

CH60
Lỗi IC trên bo mạch dàn nóng

CH61
Lỗi dàn nóng không giải nhiệt được

CH62
Lỗi nhiệt độ cao heatsink

CH65
Lỗi hỏng heatsink

CH67
Lỗi quạt dàn nóng bị kẹt hoặc hỏng.



Bạn muốn lắp đặt máy lạnh mới - Cách tính công suất lạnh như thế nào?

Tính công suất lạnh theo kinh nghiệm


Đây là cách tính theo kinh nghiệm được tham khảo từ các nhà sản xuất có uy tín và kinh nghiệm bản thân của những người làm về lạnh dân dụng lâu năm.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin giới hạn phạm vi tính toán chỉ cho các không gian sinh hoạt gia đình.

Điều kiện tính toán:

* Phòng ở gia đình: phòng khách, phòng ngủ,…

* Tường gạch dày 100mm (dày hơn càng tốt), ít bị chiếu nắng.

* Ít cửa kính (<5% diện tích tường) và có rèm che

* Thiết bị trong phòng bình thường (đèn, tivi, máy vi tính,…)

* Số người: mật độ 4m2 sàn/người

Với các điều kiện này chúng ta có thể chọn hệ số tính toán kinh nghiệm như sau: 40-45m3­­/1HP, ­tương đương với một phòng có kích thước là 4Dx3Rx3.5C (m). Với hệ số này máy có thể làm lạnh không khí trong phòng xuống khoảng 24-25 độ C. Phòng lớn hơn thì lấy thể tích phòng chia cho hệ số 40-45m3 sẽ được công suất lạnh tương ứng.

Ví dụ : phòng có kích thước 5Dx4Rx3C (m)

=> Thể tích phòng sẽ là : 5x4x3.3 = 66m3­­

=> Công suất lạnh cần thiết là : 66 / 45 = 1.47HP.

Lưu ý rằng:

Đơn vị để tính công suất lạnh là kW hoặc Btu/h. Còn đơn vị HP chỉ là công suất điện của máy nén được lắp trong máy lạnh đó. Trong lĩnh vực điều hòa không khí có thể quy đổi tương đương 1HP # 9,000Btu/h.

Trong thực tế, máy điều hòa không khí 1HP chưa hẳn có công suất lạnh là 9,000Btu/h, tùy theo các hãng sản xuất mà giá trị này dao động trong khoảng 8,000-10,000Btu/h. Vì thế với cùng một thể tích và kết cấu phòng như nhau, khi lắp máy điều hòa không khí cùng một công suất HP nào đó, máy của hãng này có thể lạnh hơn hoặc kém lạnh hơn hãng khác.
Trong các trường hợp tính tải lạnh cho các không gian khác như văn phòng làm việc, nhà hàng, hội trường, thư viện,...Chúng tôi đề nghị Quý khách nên tìm đến những người có chuyên môn để tư vấn sẽ an toàn hơn.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Nên chọn điều hòa DAIKIN chạy bằng Gas hay R22 hay Gas R410A

Hiện nay, các dòng máy lạnh trên thị trường sử dụng gas R22 và R410A. Bạn đang định sắm một chiếc điều hòa Daikin nhưng phân vân chưa biết sử dụng điều hòa chạy bằng loại ga nào thì bài viết dưới đây sẽ đưa ra ưu điểm và nhược điểm của hai loại ga này để bạn cân nhắc, chọn lựa.
1. Ưu điểm và nhược điểm của gas R22
- Ưu điểm:
+ Lắp đặt dễ dàng: Điều hòa daikin Gas R22 chịu được các tạp chất có lẫn không khí nên việc lắp đặt điều hòa dễ dàng, không yêu cầu phải có máy hút chân không và thợ lắp máy có tay nghề cao như khi lắp điều hòa sử dụng Gas R410A.
Việc lắp đặt điều hòa Daikin chạy bằng gas R22 dễ dàng hơn
+ An toàn khi sử dụng, lắp đặt: Với điều hòa Daikin sử dụng gas R22, chi phí nạp gas bổ sung định kì và sửa chữa cũng rẻ hơn so với các điều hòa sử dụng gas R410A. Thêm vào đó, điều hòa dùng gas 22 có áp suất thấp hơn máy lạnh sử dụng gas R410A nên cũng an toàn hơn khi sử dụng, lắp đặt.
+ Không gây cháy nổ: Gas R22 không gây ra nguy cơ cháy nổ, không độc hại với cơ thể sống.
- Nhược điểm:
+ Ô nhiễm môi trường: Gas R22 có thể làm suy giảm tầng ozon nên loại gas này sẽ bị loại trừ vào 2030. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể sử dụng đến năm 2040, với điều hòa đã nạp gas R22 được sử dụng đến hết tuổi đời của máy.
2. Ưu và nhược điểm của gas R410A
- Ưu điểm:
+ So với điều hòa Daikin chạy bằng gas R22 thì điều hòa sử dụng gas 410A làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện hơn nếu được lắp đặt đúng kĩ thuật và sử dụng vật tư đúng tiêu chuẩn.
+ Bảo vệ môi trường: Gas R410A không phá hủy tầng ozon, thân thiện với môi trường và sức khỏe người dùng.
Tiết kiệm điện, làm lạnh nhanh là ưu điểm của điều hòa Daikin chạy bằng gas R410A
- Nhược điểm:
+ Điều hòa chạy bằng gas R410A rất khó lắp đặt và bảo trì, đòi hỏi thợ điện lạnh phải có tay nghề, kinh nghiệm.
+ Chi phí sạc gas và bơm gas rất đắt. Bên cạnh đó, khi sạc gas cần phải có đồng hồ đo chuyên dụng và có máy hút chân không. Thường thì giá gas R410A có giá 495.000 đồng/kg, gas R22 giá chỉ 242.000đồng/kg.
3. Người tiêu dùng nên chọn loại ga nào?
Nếu bạn có thu nhập tương đối và muốn mua một chiếc điều hòa Daikin inverter tiết kiệm điện lại muốn tiết kiệm chi phí bảo trì, nạp gas điều hòa rẻ thì nên chọn điều hòa chạy bằng gas R22. Hiện nay, Daikin đã có dòng máy lạnh inverter chạy bằng gas R22 để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn nếu bạn muốn sử dụng dòng điều hòa bảo vệ môi trường thì có thể chọn điều hòa Daikin inverter chạy bằng gas R410A. Tuy nhiên, khâu lắp đặt rất khắt khe, đòi hỏi thợ điện lạnh phải có tay nghề cao, sử dụng đúng loại vật tư và dụng cụ kỹ thuật chuyên dụng.
...
Nguồn: www.tinhky.com

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

TẠI SAO MÁY LẠNH LẠI CHẢY NƯỚC? - CÁCH KHẮC PHỤC RA SAO?

Đây có lẽ là hiện tượng mà nhiều người sử dụng máy lạnh thường gặp trong quá trình sử dụng.
Máy lạnh bị chảy nước sẽ gây ra nhiều phiền toái xung quanh nếu như bạn không sớm khắc phục nó.
Thông thường, nếu bạn là người không có kiến thức về hoạt động của máy lạnh thì giải pháp hoàn hảo nhất là gọi thợ đến xem.
Tuy nhiên, thông tin bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân máy lạnh bị chảy nước cũng như cách khắc phục nó trong khả năng bạn có thể làm được.
Tại sao máy lạnh chảy nước, nguyên nhân do đâu ?
Máy lạnh chảy nước có nhiều nguyên nhân. Có thể hệ thống thoát nước ở dàn lạnh bị giới hạn do dàn lạnh bị dơ hoặc lưới lọc bị bám bụi quá  nhiều. Trong hai trường hợp này dàn lạnh sẽ bị đông đá và nước sẻ chảy ra từ máng hứng nước ngưng.

Máy lạnh chảy nước do  tắc nghẽn đường ống
Hầu hết các trường hợp chảy nước ở máy lạnh là do đường ống thoát nước ngưng bị tắc gây ra hiện trường máng hứng nước ngưng bị tràn.
Trong suốt những tháng nóng trong năm máy lạnh dường như hoạt động liên tục, độ ẩm trong phòng bị tách ra khỏi không khí trước khi rơi xuống dàn lạnh và sau đó nhỏ xuống máng hứng nước ngưng tạo thành các loại tảo và chảy vào đướng ống thoát nước.
Sau đó nếu như không được bảo trì, tảo và cách mảnh bụi bẩn làm tắc nghẽn đường ống và gây ra hiện tượng tràn nước ở máng hứng hoặc làm cảm ứng bộ phận bơm (đối với máy lạnh thoát nước cưỡng bức dùng bơm) được kết nối với bo mạch dàn lạnh làm cho máy lạnh ngưng hoạt động trước khi nước bị tràn.
Hình Minh Họa: Vệ Sinh Máy Lạnh Cassette Hệ VRV
Máy lạnh chảy nước do lỗi lắp đặt kém
Việc lắp đặt đường ống thoát nước không có độ dốc hoặc đường ống thoát nước quá dài nhưng không có lỗ thông gió thường làm cho nước không thoát hết ra ngoài mà dội ngược lại máng hứng làm tràn máng hứng.
Khi lắp máy do không cân chỉnh nên máy bị nghiêng một bên dẫn đến máng hứng bị nghiêng theo. Một lượng nước sẽ bị chảy về phí đầu thấp của máng hứng.
Cách khắc phục máy lạnh chảy nước:
- Tháo lưới lọc bụi ra vệ sinh sạc sẽ sau đó gắn lại.
- Kiểm tra đường ống thoát nước từ dàn lạnh ra ngoài xem có bị sút, bị gấp, bị tắc nghẽn bên trong do tảo, bụi bẩn.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG MÁY LẠNH TIẾT KIỆM ĐIỆN

Máy Điều hòa không khí chiếm trên 60% tổng điện năng tiêu thụ của tất cả các thiết bị điện trong nhà. Với một máy điều hòa không khí đang sử dụng, làm sao chúng ta biết là đang sử dụng hiệu quả hay đang lãng phí về điện? Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết này với hy vọng sẽ giúp Quý khách hiểu cơ bản về máy điều hòa không khí và tránh được lãng phí điện.

Nguyên nhân chính gây lãng phí điện khi sử dụng máy điều hòa không khí (ĐHKK) là do cách sử dụng. Rất nhiều người chưa hiểu cách hoạt động của máy ĐHKK nên đã vô tình lãng phí điện mà không biết. Để có thể sử dụng một cách hợp lý, người tiêu dùng cần hiểu sơ qua về nguyên lý hoạt động của máy ĐHKK.

Hiện nay, máy ĐHKK dân dụng được sử dụng ở Việt Nam chủ yếu là loại 2 khối dùng máy nén thường (không thay đổi được tốc độ quay), chúng tôi xin trình bày ngắn gọn về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại này.

Cấu tạo :

Máy ĐHKK 2 khối gốm có : dàn lạnh, dàn nóng, ống dẫn gas lạnh nối giữa dàn nóng và dàn lạnh.

Dàn lạnh : đặt bên trong phòng có nhiệm vụ thu nhiệtkhông khí trong phòng chuyển ra dàn nóng qua đường ống dẫn gas

Dàn nóng : đặt bên ngoài phòng có nhiệm vụ thải nhiệt từ dàn lạnh chuyển đến ra môi trường.

Dàn nóng gồm máy nén và quạt, là bộ phận tiêu tốn điện nhiều nhất của máy ĐHKK, chiếm khoảng 95% toàn bộ lượng điện tiêu thụ của máy. Dàn lạnh chỉ có quạt và board điều khiển nên tiêu thụ điện không đáng kể, khoảng 5%

Nguyên lý hoạt động:

Trong quá trình máy hoạt động dàn lạnh chạy suốt không nghỉ, dàn nóng lúc chạy lúc nghỉ phụ thuộc vào nhiệt độ trong phòng đã đạt chưa.

Quạt dàn lạnh hút và thổi liên tục tạo ra sự luân chuyển và phân tán không khí lạnh đều trong phòng. Trong dàn lạnh có một cảm biến nhiệt độ của không khí nối với bo mạch xử lý tín hiệu (gọi tắt là board). Cảm biến này có nhiệm vụ cảm nhận nhiệt độ không khí hồi về dàn lạnh (đây là nhiệt độ trung bình của không khí trong phòng).

Khi nhiệt độ trong phòng cao hơn nhiệt độ cài đặt (là nhiệt độ cài đặt trên remote) khoảng 1 - 2 độ C  thì board sẽ điều khiển dàn nóng chạy. Khi dàn nóng chạy sẽ cung cấp gas lỏng tới dàn lạnh, gas lỏng bốc hơi trong dàn lạnh và thu nhiệt không khí đi qua dàn lạnh, không khí mất nhiệt nên nhiệt độ giảm xuống. Khi nhiệt độ không khí trong phòng giảm xuống bằng nhiệt độ cài đặt thì board sẽ điều khiển ngưng dàn nóng. Quá trình làm lạnh tạm ngưng.

Do nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài, nên có sự truyền nhiệt từ ngoài vào trong, cùng với các vật tỏa nhiệt bên trong làm nhiệt độ không khí trong phòng từ từ tăng lên cho đến khi cao hơn nhiệt độ cài đặt khoảng 1-2 độ C (khoảng chênh lệch nhiệt độ này tùy thuộc vào thiết kế của mỗi nhà sản xuất) thì board sẽ điều khiển dàn nóng chạy lại. Quá trình làm lạnh tiếp tục.


Khi dàn nóng chạy, dàn lạnh mới có chức năng làm lạnh và tiêu tốn điện nhiều nhất. Khi dàn nóng ngưng, dàn lạnh chỉ còn là cái quạt luân chuyển không khí trong phòng.


Với một máy ĐHKK đã lắp đặt và đang sử dụng, làm sao chúng ta biết được là đang sử dụng hiệu quả hay đang lãng phí điện? Mỗi máy ĐHKK lắp vào một phòng nào đó, khi hoạt động sẽ đạt được nhiệt độ thấp nhất nào đó. Đây là nhiệt độ cuối cùng mà máy có thể đạt được, không thể thấp hơn được. Nếu cài nhiệt độ trên remote thấp hơn nhiệt độ này thì dàn nóng sẽ chạy suốt và tiêu hao điện tối đa.

Làm sao để biết được nhiệt độ thấp nhất, cách đơn giản nhất là chúng ta cho máy chạy với nhiệt thấp nhất trên remote, khoảng 20-30 phút sau chúng ta bấm remote nâng nhiệt độ lên đến khi nào nghe tiếng “tách” trên dàn lạnh thì có thể xem đó là nhiệt độ thấp nhất mà máy có thể đạt được. Tiếng “tách” vừa nghe là âm thanh của rơ-le trên board ngắt nguồn điều khiển dàn nóng. Để sử dụng máy hiệu quả về điện chúng ta phải vận hành máy từ nhiệt độ đó trở lên.

Một phòng điều hòa không khí theo tiêu chuẩn thiết kế dùng cho sinh hoạt phải đạt nhiệt độ 24 độ C. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi nhất trong khoảng 25-27 độ C.

Sẽ có một số người nói rằng cài nhiệt độ ở 27 độ C mà dàn nóng chạy suốt không thấy ngưng, trường hợp này nên xem lại máy có bị sự cố không hay bị bẩn hoặc thiếu công suất.

Tóm lại, để một máy ĐHKK hoạt động hợp lý thì phải cài nhiệt độ remote sao cho dàn nóng phải có lúc chạy lúc nghỉ.

Ý nghĩa của chỉ số nhiệt độ trên remote :

Rất nhiều người hiểu chưa đúng về chỉ số nhiệt độ trên remote, có ý kiến cho rằng nhiệt độ remote càng thấp máy càng làm lạnh nhanh. Thật ra máy ĐHKK 2 khối dân dụng trên thị trường hiện nay không có chức năng làm lạnh nhanh hơn hay chậm hơn, chỉ đơn thuần là lạnh từ từ.

Nhiệt độ cài đặt hiện trên remote là chỉ số mà người sử dụng yêu cầu máy ĐHKK làm lạnh không khí trong phòng đến nhiệt độ đó và duy trì nhiệt độ này cho đến khi có cài đặt mới. Nhiệt độ này gọi là nhiệt độ phòng.

Ngoài việc điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc bảo trì máy. Một khi dàn nóng và dàn lạnh bị bụi bẩn thì khả năng làm lạnh của máy sẽ bị giảm. Vì chúng ta biết rằng nhiệt độ trong phòng giảm xuống là do dàn lạnh thu nhiệt trong phòng chuyển ra dàn nóng và thải ra môi trường. Khi dàn lạnh bị bẩn, thì khả năng thu nhiệt giảm, khi dàn nóng bẩn thì khả năng thải nhiệt cũng giảm, cả hai trường hợp này đều làm lượng nhiệt thu được trong phòng thải ra môi trường giảm nên phòng sẽ bị kém lạnh. Bên cạnh đó máy bị bẩn sẽ tiêu thụ điện nhiều hơn gây lãng phí thêm và tuổi thọ máy cũng giảm.

Đối tác

loading... CƠ - ĐIỆN - LẠNH